Ngành nhựa lạc quan

7:30 PM
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), sản phẩm nhựa Việt Nam có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và thị phần nội địa trong năm 2015. Nguyên nhân do giá dầu thô thế giới liên tục giảm sâu, thuế suất  xuất khẩu sản phẩm nhựa đang được xem xét giảm. Đặc biệt, sức tiêu thụ của người dân tăng cao.
Tăng thị phần xuất khẩu
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) nhựa trong nước chỉ cung cấp được 20% - 30% nguồn nguyên liệu nhựa trong nước, chủ yếu là PVC, PET, PP.  Đối với nhựa PVC, PET, hiện có hai DN sản xuất với năng lực 300.000 tấn/năm. Với nguyên liệu nhựa PP, duy nhất có nhà máy tại Dung Quất, Quảng Ngãi sản xuất 150.000 tấn/năm. Còn lại, nước ta vẫn nhập khẩu 70% - 80% (khoảng 3 triệu tấn) nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động sản xuất.
Thị trường chính cung cấp nguyên liệu nhựa cho Việt Nam đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Arab Saudi, Nhật, Malaysia… Giá dầu thô liên tục giảm mạnh trong thời gian qua đã kéo theo giá nguồn nguyên liệu nhựa PP, LDPE, LLDPE, HDPE… giảm mạnh, giá hiện nay tùy loại đã giảm 3 - 5 USD/tấn.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho biết, giá nguyên liệu giảm sẽ tạo thuận lợi để các DN có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hiện thị trường xuất khẩu truyền thống của DN nhựa nước ta là Nhật Bản, Mỹ và một số ít các nước châu Âu. Tuy nhiên, với những diễn biến thuận lợi trên, trong năm 2015, DN có thể mở rộng thị phần xuất khẩu sang Đức, Hà Lan, Bỉ, Ý, Pháp, Malaysia, Indonesia… Đây là những nước đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm nhựa của Việt Nam.
VPA cho biết thêm, đang kiến nghị Chính phủ cho phép hạ thuế suất xuất khẩu từ 2% xuống còn 1%. Nếu kiến nghị này được thông qua, cộng với việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ tạo cơ hội lớn cho DN Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa từ năm 2011 đến nay liên tục tăng: năm 2011 là 1,749 triệu USD, năm 2012 tăng nhẹ lên mức 1,186 triệu USD, năm 2013, đạt 2 tỷ 469 triệu USD và năm 2014 ước tính hơn 3 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa năm 2015 sẽ cao gấp đôi so năm 2014.

Doanh nghiệp sản xuất nhựa cần được hỗ trợ đổi mới dây chuyền sản xuất
(Ảnh sản xuất đế nhựa tủ lạnh).

Mở rộng thị trường trong nước
Tại thị trường nội địa, mức tiêu thụ nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm, nếu như năm 1989 chỉ ở mức 1kg/năm thì đến năm 2008 đã đạt 22kg/năm và năm 2010 là 30kg/năm, năm 2013 là 35kg/năm. Và theo dự báo của các chuyên gia ngành nhựa, mức tiêu thụ người dân sẽ tăng lên 45kg vào năm 2020. Do vậy, cùng với việc giảm giá nguyên liệu đầu vào sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, sức tiêu thụ trên thị trường cũng nhờ vậy tăng nhanh.
Mặt khác, các DN đang đẩy mạnh cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất để đón đầu chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ. Lý giải thực tế này, ông Trương Văn Long, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo và cao su, cho biết, cả nước có khoảng 2.000 DN nhưng DN sản xuất nhựa gia dụng chiếm 40%, nhựa bao bì 35%, nhựa kỹ thuật 13%, nhựa xây dựng 11%. Điều này cho thấy giá trị gia tăng của ngành nhựa còn thấp.
Việc triển khai chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được xem có lợi cho ngành nhựa nhiều nhất, vì tạo tiền đề, cơ sở để các DN nhựa mạnh dạn đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất sang ngành nhựa kỹ thuật cao, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm. Không chỉ vậy, việc cải thiện nội lực theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm còn giúp các DN ngành nhựa mở rộng hợp tác, trở thành thành viên hệ thống chuỗi cung ứng cho sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Chưa hết khó khăn
Lợi thế là vậy, tuy nhiên theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, 2015 cũng được cảnh báo là năm các DN nhựa sẽ bị cạnh tranh rất quyết liệt trong khu vực ASEAN khi hàng rào phi thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Trong khi đó, DN trong nước với xuất phát điểm thấp, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân, kỹ sư chưa cao... Giá thành sản xuất tuy có lợi thế nhưng sẽ khó cạnh tranh nếu chất lượng không đạt yêu cầu. Không chỉ vậy, sở hữu công nghệ lạc hậu nên DN chưa thể đi sâu nghiên cứu, sản xuất các chi tiết sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các DN sản xuất lắp ráp, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Do vậy để tận dụng tối đa những lợi thế phát triển trong năm 2015, các DN nhựa Việt Nam sẽ phải thúc đẩy nhanh khâu cải tiến, đầu tư công nghệ mới, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các DN lắp ráp.

Sản xuất ống tuýp nhựa tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sản phẩm nhựa phục vụ cho các ngành công nghiệp rất đa dạng và phong phú. Do vậy, để có định hướng phát triển phù hợp trong bối cảnh hội nhập, Bộ Công thương cần nghiên cứu hình thành danh mục sản phẩm trọng điểm của quốc gia cho từng thời kỳ và đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển,  tạo điều kiện DN xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp. Có như vậy mới giúp các DN bắt kịp nhu cầu phát triển trong tiến trình hội nhập.
ÁI VÂN
Theo SGGP

Share this

Related Posts

Latest
Previous
Next Post »

5 comments

Write comments
August 21, 2021 at 1:46 AM delete


Dây đai Dùng để đóng cont đúng không bạn

Reply
avatar
May 17, 2023 at 6:30 PM delete

Thông tin rất hứu ích,
Dịch vụ gia công bao bì nhựa: https://napaco.vn/gia-cong-khay-nhua-dinh-hinh/

Reply
avatar